Trung Quốc đối phó bong bóng nhà đất như thế nào?
Trong một báo cáo đầu tuần này, Ngân hàng ANZ phải trấn an khách hàng của mình trước tình trạng dư nợ cho vay bất động sản đã tăng gần gấp đôi (1,85 lần) so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi theo
Chính quyền nhiều thành phố ở Trung Quốc đã công bố một số biện pháp làm hạ nhiệt thị trường trước nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản, nhất là sau khi tỉ phú Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) đưa ra cảnh báo, bong bóng bất động sản Trung Quốc có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Trả lời phỏng vấn độc quyền của đài CNN hôm thứ Tư tuần trước, ông Vương Kiện Lâm – người giàu nhất Trung Quốc nhờ kinh doanh bất động sản – cho biết thị trường bất động sản Trung Quốc là “bong bóng lớn nhất trong lịch sử”.
Theo ông Vương, vấn đề nghiêm trọng nhất là giá nhà đất tiếp tục tăng mạnh ở các đô thị lớn như Thượng Hải nhưng lại giảm xuống ở hàng ngàn thành phố nhỏ hơn, nơi có rất nhiều khu dân cư bỏ hoang không có người ở. “Tôi không thấy cách giải quyết tốt cho vấn đề này. Chính phủ [Trung Quốc] đã đưa ra nhiều biện pháp – hạn chế mua nhà, hạn chế tín dụng – nhưng đều không thực thi được”, ông Vương nói.
Ngay sau đó một số thành phố đã siết chặt quy định về việc mua nhà, tăng tỷ lệ tiền mà người mua phải trả, giảm tỷ lệ cho vay… với mục tiêu trước mắt là “hạ nhiệt” cơn sốt mua nhà, ngăn chặn đầu cơ đẩy giá nhà lên đồng thời hạn chế nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản.
Khách tham quan mô hình một khu chung cư được đưa ra bán tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam hồi tháng 9/2016. (Ảnh: Reuters)
Hôm thứ Sáu 30/9, thành phố Bắc Kinh quy định người mua nhà lần đầu phải trả ít nhất 35% giá trị của bất động sản, còn mua ngôi nhà thứ hai phải trả trước ít nhất một nửa số tiền. Thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou) thủ phủ tỉnh Hà Nam (Henan) trong nội địa Trung Quốc hôm thứ Bảy 1/10 công bố, những người đã có hai bất động sản trở lên hoặc dân ngoại tỉnh đã có một ngôi nhà trong thành phố thì từ nay chỉ được mua nhà có diện tích lớn hơn 180 mét vuông. Giá nhà ở Trịnh Châu đã tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, lên mức bình quân 25.000 nhân dân tệ (3.700 đô la Mỹ) mỗi mét vuông. Tại Thành Đô (Chengdu), thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), người dân chỉ được mua một bất động sản ở một trong các quận của thành phố và người mua ngôi nhà thứ hai phải trả trước ít nhất 40% giá trị căn nhà. Thành Đô cũng sẽ trừng phạt những chủ dự án bỏ đất hoang, không tiến hành xây dựng như cam kết hoặc tung tìn đồn để khuấy động thị trường.
Các thành phố loại 2 như Tế Nam (Jinan) hôm Chủ nhật cũng thông báo cư dân chỉ được phép sở hữu tối đa 3 bất động sản, tăng tỷ lệ tiền trả trước của người mua nhà lần đầu từ 20% lên 30% giá trị căn nhà. Trong khi đó, thành phố Thiên Tân (Tianjin) lân cận thông báo không cho phép những người không có hộ khẩu ở thành phố mua thêm ngôi nhà thứ hai. Các thành phố Vũ Hán (Wuhan), Thường Châu (Zhangzhou), Hợp Phì (Hefei) và Tô Châu (Suzhou) đều đã ban hành những biện pháp hạn chế tương tự, theo hãng tin Reuters.
Tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Hubei), người mua ngôi nhà thứ hai phải trả trước ít nhất 50% giá trị thì mới được ngân hàng xem xét cho vay phần còn lại; còn nếu mua căn nhà đầu tiên thì phải trả trước ít nhất 25%. Mua căn nhà thứ ba thì không được vay đồng nào nữa.
Những biện pháp “hạ nhiệt” này được công bố một tuần sau khi số liệu của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc cho thấy giá nhà đất tại 90 thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 8/2016 đã tăng bình quân 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,5% so với tháng 7. Cá biệt, một số thành phố có giá nhà đất tăng chóng mặt; ví dụ thủ đô Bắc Kinh tăng 23,5% (so với cùng kỳ), Thượng Hải tăng 31,2%, Hạ Môn (Xiamen) tăng 43,8%, Hàng Châu (Hangzhou) tăng 22% và Hợp Phì (Hefei) tăng 40,3%.
Động thái “siết lại” của chính quyền các địa phương “cho thấy lãnh đạo cấp cao Trung Quốc có thể đã đạt được đồng thuận rằng tình trạng bong bóng của thị trường bất động sản đáng lo ngại hơn là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế”, Ngân hàng OCBC nhận định trong báo cáo nghiên cứu gửi khách hàng hôm đầu tuần 3/10. Và, ngân hàng này cho rằng, Trung Quốc sẽ không kích thích kinh tế thêm nữa và đó là điềm không tốt cho tâm lý thị trường trong dài hạn. Tưởng cần nhắc lại rằng, để duy trì tăng trưởng kinh tế, ứng phó với cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chủ trương nới lỏng tín dụng, khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm nhà cửa và hàng tiêu dùng. Hậu quả là tới nay, nhiều ngành sản xuất của Trung Quốc rơi vào tình trạng dư thừa công suất, nhiều công trình xây dựng bị bỏ hoang, còn núi nợ nần ngày càng lớn lên.
Ở góc độ tài chính, các nhà kinh tế tỏ ra lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng dư nợ của doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, trong lĩnh vực bất động sản nói riêng. Theo Công ty Tài chính Capital Economics, vào cuối tháng 6/2016, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã lên mức 24.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 3.600 tỉ đô la Mỹ. Còn tổng nợ nói chung của nền kinh tế Trung Quốc hiện đã là 24.000 tỉ đô la Mỹ, tương đương 254% GDP của nước này, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS). Thứ Sáu tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã mạnh mẽ cảnh báo và yêu cầu Trung Quốc “khẩn trương giải quyết vấn đề nợ nần” trước khi nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tỉ phú Vương nhận định rằng, nếu “rút củi” quá nhanh, nền kinh tế sẽ suy thoái nhanh hơn; cho nên “chúng ta phải chờ tới khi kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại thì mới dần dần giảm bớt đòn bẩy và nợ nần”, theo CNN.
Trong một báo cáo đầu tuần này, Ngân hàng ANZ phải trấn an khách hàng của mình trước tình trạng dư nợ cho vay bất động sản đã tăng gần gấp đôi (1,85 lần) so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi theo dõi chặt các rủi ro tài chính nảy sinh từ sự gia tăng nhanh chóng các món vay thế chấp nhà đất mới mà trong nửa đầu năm nay đã tăng tới 112%”, báo cáo của ANZ viết.
Các chuyên gia trên tờ Australian Finacial Review lại cảnh báo rằng, những chính sách hạn chế mua nhà đất mới ban hành có thể có tác dụng ngược, thúc đẩy người dân đổ xô đi mua nhà đất trước khi quy định có hiệu lực, và thị trường đã nóng sẽ càng thêm nóng. Yan Yuejin, nhà phân tích của Viện R&D E-House China, cho biết: “Chính sách hạn chế sẽ làm gia tăng mạnh nhu cầu bất động sản tại thủ phủ của các tỉnh chưa ban hành quy định hạn chế. Và chúng ta sẽ thấy sự gia tăng giá cả và nhu cầu do những khách hàng đang lo ngại gây ra vì họ lo chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra nhiều hạn chế khác nữa”.
Không biết có phải vì lo ngại vỡ bong bóng bất động sản hay không mà ông Vương – chủ tập đoàn kinh doanh bất động sản Vạn Đạt Đại Liên (Dalian Wanda) lớn nhất Trung Quốc – đang tìm cách chuyển hướng đầu tư: giảm việc xây dựng các trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng ở Trung Quốc, chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư thâu tóm các công ty giải trí, thể thao và du lịch. Đầu năm nay, ông Vương đã mua lại hãng phim Legendary Entertainment của Hollywood; mới hai tháng trước, ông thâu tóm chuỗi rạp chiếu phim Carmike Cinemas – hợp nhất với chuỗi rạp AMC mà ông mua trước đây để hình thành chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới. Ông cũng không giấu giếm tham vọng đang tìm cách sở hữu ít nhất một trong “6 ông lớn” của làng điện ảnh thế giới, có thể là 20th Century Fox, Columbia, Paramount, Universal Pictures, Warner Brothers hoặc Walt Disney.
Leave a Reply